Trong thời gian qua ban biên tập tiếp tục nhận được các câu hỏi từ các bạn độc giả, ban biên tập đã chọn các câu hỏi để trao đổi với các bác sĩ Bệnh viện ĐHY dược TP.HCM. Sau đây là 1 số câu hỏi các bạn độc giả đã gửi về.
Hỏi: Tôi bị dị ứng da và phải dùng thuốc thường xuyên. Xin bác sĩ tư vấn vài loại thuốc không gây buồn ngủ và không ảnh hưởng tới việc lái xe để tôi có thể đi làm bình thường. Xin cảm ơn bác sĩ.
Hà Trang (Thanh Hóa)
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, bác sĩ chuyên khoa 1 - Trưởng phòng khám da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Thuốc kháng Histamin là các loại thuốc chống dị ứng thường được sử dụng nhất hiện nay. Có hai nhóm thuốc kháng Histamin: Nhóm 1 gây buồn ngủ và nhóm 2 không gây buồn ngủ.
Nhóm 2 (loratadin, cetirizin, fexofenadine, desloratadin, levocetirizin,...) không gây buồn ngủ thường được sử dụng trong các trường hợp mề đay, viêm da. Thuốc thường sử dụng 01 lần trong ngày và chỉ có 4% gây buồn ngủ tương đương như trong trường hợp dùng giả dược.
Bạn có thể sử dụng thuốc này trong trường hợp lái xe.
Hỏi: Đắp cám gạo có thực sự làm sáng da hay không? Tôi đang sử dụng dầu dừa và cám gạo để dưỡng da hằng ngày nhưng không biết có hiệu quả hay không?
Mỹ Linh (TP.HCM)
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Phòng Chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Chào bạn, trong cám gạo có chứa chất licorice có công dụng làm trắng da. Tuy nhiên cần sử dụng một thời gian lâu dài dưới dạng tinh chất. Cần lưu ý trong cám gạo thì ngoài chất licorice này còn lẩn lộn nhiều chất khác: bụi bẩn, sinh tố nhóm B,... nên hiệu quả mang đến không nhiều.
Hỏi: Tôi 32 tuổi, gần đây ở quanh rốn xuất hiện những mụn nước nhỏ, đỏ ở xung quanh và sau đó vỡ ra gây ngứa rất khó chịu. Từ nhỏ đến lớn tình trạng này chưa xảy ra. Xin hỏi bác sĩ đây là bệnh gì và phòng ngừa và điều trị như thế nào?
Thanh Hùng (Cần Thơ)
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, bác sĩ chuyên khoa 1 - Trưởng phòng khám da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Có thể đây là trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng với kim loại (cụ thể là khóa nịt của bạn). Cách điều trị tốt nhất là phải tránh không cho khóa nịt tiếp xúc trực tiếp với da rốn (không đeo hoặc nên bỏ áo trong quần). Có thể thoa thêm thuốc bôi corticoide loại nhẹ và uống thuốc chống ngứa.
Hỏi: Tôi là thợ làm tóc nên phải thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất gội, nhuộm. Nhưng mỗi lần tiếp xúc với hóa chất tay tôi đều bị ngứa. Tôi đã uống & bôi nhiều thuốc nhưng không khỏi. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp.
Huyền Trang(quận 4, TP.HCM)
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, bác sĩ chuyên khoa 1 - Trưởng phòng khám da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Đây là trường hợp viêm da tiếp xúc kích ứng. Do đó bạn cần phải sử dụng bao tay để phòng ngừa khi tiếp xúc với hóa chất. Trường hợp bao tay bị rách hoặc tay đã tiếp xúc thì phải rửa tay ngay dưới vòi nước lạnh để làm giảm nồng độ và loại bỏ các chất độc hại đi. Sau đó, thoa ngay với thuốc chống viêm có chứa corticoide.
Hỏi: Chào các bác sỹ. Em có cháu mới sinh ra được 05 ngày (sinh ngày 26/3/2013) thì ở những vùng kin (cổ, bẹn, gáy ..) tự nhiên nổi những hột có mủ, mới nhìn thì giống như rôm sẩy. Bác sĩ bảo do da bé bị dị ứng và bảo tắm nước chè xanh đặc, hiện bây giờ đã khô và cũng còn nổi. Vậy xin hỏi bác sĩ có nên đưa bé đi khám không? Nếu bị như vậy có ảnh hưởng đến bé không? Em nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Em xin cảm ơn.
Phượng (Quảng Nam)
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Phòng Chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Chào bạn, bạn nên đưa bé đi khám bệnh. Do bé còn nhỏ tháng, vị trí bệnh lại là những vùng da mỏng nên bạn cần cẩn thận chọn lựa thuốc dùng cho cháu.
Hỏi: Tôi bị dị ứng da, thường nỗi đỏ khắp người, và ngứa. Đi thử máu, bác sỹ chẩn đoán là bị nhiểu giun chó, nhưng cho thuốc uống hoài mà máy tháng rồi mà không hết. Xin hỏi hai bác sỹ có cách gì để trị khỏi không?
Thanh (Khánh Hòa)
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, bác sĩ chuyên khoa 1 - Trưởng phòng khám da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Trường hợp của bạn là bị nổi mề đay. Có nhiều yếu tố thuận lợi để gây ra mề đay như thức ăn, thời tiết, chất tẩy rửa, thuốc, nhiễm ký sinh trùng,...
Nhiễm giun chó chỉ là một yếu tố gây ra mề đay. Do đó, nếu chỉ xổ giun mà không lưu ý đến những yếu tố khác thì bệnh vẫn có thể tái phát.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét