Thời gian quan ban biên tập đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn độc giả gửi về, Ban biên tập đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương-Phòng chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM
Bác sỹ Võ Thị Bạch Sương
Hỏi: Con tôi bị dị ứng da, đi khám thì được bác sĩ chuyên khoa ghi đơn thuốc gồm có 2 thuốc kháng histamin và một số thuốc khác. Xin bác sĩ Minh và bác sĩ Sương tư vấn giúp là dùng 2 thuốc kháng histamin cùng lúc như vậy có tốt không? Có nguy hiểm gì không? Xin cảm ơn hai bác sĩ!
Hải Đường (TP.HCM)
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Phòng Chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Chào bạn, các khuyến cáo điều trị mề đay có thể chấp nhận kết hợp 2 loại thuốc kháng Histamine, một loại buồn ngủ dùng vào buổi tối, và loại không gây ngủ dùng vào ban ngày. Nếu con bạn không có vấn đề về chức năng gan, thận thì cứ cho cháu tuân thủ theo toa của BS.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chương trình.
Hỏi: BS Sương. Vợ tôi thường xuyên bị dị ứng khi thời tiết thay đổi (đặc biệt khi thời tiết chuyển sang mùa lạnh). Đi khám bác sỹ chẩn đoán bị bệnh mề đay cấp tính. Vợ tôi đã uống thuốc liên tục 1 tháng nay, nhưng hễ ngày nào không uống thuốc là da muốn dị ứng trở lại. Vậy xin hỏi bác sỹ, bệnh này uống thuốc trong thời gian bao lâu sẽ khỏi hẳn, không tái phát trở lại? Xin cảm ơn bác sỹ.
Mr Hoàng (TP.HCM)
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Phòng Chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Chào bạn, mề đay chỉ có thể hết hẳn khi chúng ta loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Do đó, không thể nói chính xác cần phải uống thuốc trong bao lâu và khi nào thì mới hết hẳn.
Nếu vợ bạn hay nổi mề đay vào mùa lạnh thì cô ấy cần giữ ấm cơ thể bằng trang phục (quần áo, khăn, mũ, găng tay, vớ...), nên hạn chế tiếp xúc với không khí lạnh bên ngoài và uống thêm các thuốc kháng Histamine.
Hỏi: Con trai tôi năm nay 2 tuổi, cháu thường bị dị ứng da toàn thân nổi mẫn đỏ từng dề, từng dề và rất ngứa. Đi khám BS nói là bị dị ứng da do thời tiết. Xin BS cho biết nguyên nhân tại sao. Cách phòng ngừa và điều trị lúc cháu bị như vậy (rất ngứa và khó chịu). Xin cám ơn BS.
Lê Thị Yến Trinh (Huyện Long Điền, tỉnh BRVT)
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, bác sĩ chuyên khoa 1 - Trưởng phòng khám da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Trường hợp này có thể là một dạng của mề đay (biểu hiện da thường gặp của dị ứng), có nhiều yếu tố thuận lợi cho nổi mề đay như thức ăn, thời tiết, sử dụng các chất tẩy rửa không thích hợp, bụi nhà,...
Nếu muốn không nổi thì phải loại bỏ những yếu tố thuận lợi này, có thể dùng thêm những thuốc điều trị dị ứng như thuốc kháng histamin. Đối với trẻ em thì có thể sử dụng dạng sirô tốt hơn dạng viên.
Hỏi: Hai bàn tay tôi bị ngứa và nứt nẻ quanh năm trên phía bề mặt chỉ ở phần 10 ngón tay (trong lòng bàn tay không bị). Tôi bị đã hơn 10 năm rất khó chịu. Tôi đã khám da liễu bác sĩ bảo bị chàm khô, bôi và uống thuốc mãi vẫn không đỡ. Hiện nay tôi dùng vaseline bôi ngày 3 lần để da ẩm dễ chịu mà làm việc. Có lúc nó ngứa chịu không nổi tôi gãi cho có vết nứt và nặn ra máu đen, một lúc rửa tay và thoa vaseline thì dễ chịu hơn. Nay biết có chương trình tư vấn tôi mong các bác sĩ có thể tư vấn cho tôi để có thể chữa được bệnh. Tôi xin thành thật biết ơn.
Lê Thị Phùng (Quận Hải Châu, Đà Nẵng)
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, bác sĩ chuyên khoa 1 - Trưởng phòng khám da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Đây là một trường hợp chàm tăng sừng nứt nẻ, bệnh thường có quanh năm nhưng bệnh thường nặng hơn vào mùa lạnh hoặc hanh khô. Bệnh này thường khó điều trị, dễ tái phát do bệnh nhân có những thói quen xấu như sử dụng các chất tẩy rửa, kem bôi,... không thích hợp, cầm nắm những đồ vật nặng quá khổ,...
Muốn điều trị tốt thì ngoài thuốc sử dụng của bác sĩ cho (kem bôi có chứa corticoide, urea,... thuốc chống ngứa), cần phải lưu ý tránh các yếu tố nêu trên và thường xuyên sử dụng kem làm ẩm da thích hợp trong mọi tình huống.
Hỏi: Thường xuyên vào khoảng 17 giờ trở đi khắp người tôi có hiện tượng nỗi mề đay, nếu không sử dụng thuốc chống dị ứng. Vậy để điều trị hết chứng bệnh trên bằng cách nào?
Nguyễn Viết Tĩnh (57 Nguyễn Súy, TP Đà nẵng)
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Phòng Chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Chào bạn, có nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay (thực phẩm, thuốc, vắc xin chủng ngừa, khói bụi, phấn hoa, nhiễm ký sinh trùng, vi trùng...). Bạn phải nhận biết nguyên nhân gây bệnh cho chính mình và loại trừ nó thì mới không bị tái lại.
Bạn cũng có thể sử dụng các thuốc uống kháng Histamin.
Hỏi: Bé nhà em mới 24 tháng tuổi nhưng bị ngứa thường xuyên, nhất là sau khi ăn tôm cua. Xin quý bác sĩ cho biết có loại thuốc chống dị ứng nào dùng được cho lứa tuổi này?
Thùy Dung (Hải Phòng)
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Phòng Chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Chào bạn, cháu có thể sử dụng sirop chứa các chất: Loratadin, Cetirizin hoặc Desloratadin.
Hỏi: Xin cho hỏi chàm và viêm da cơ địa dị ứng có giống nhau không ạ? Vì tôi đi khám da liễu, thỉnh thoảng BS chẩn đoán chàm, thỉnh thoảng là viêm da cơ địa. Xin tư vấn giúp nếu bị viêm da cơ địa dị ứng thì nên bôi thuốc talimus hay dermovat, thuốc nào tốt hơn ạ? Xin chân thành cảm ơn.
thanh thao (Hải Dương)
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Phòng Chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Chào bạn, chàm (eczema) và viêm da cơ địa dị ứng (atopic dermatitis) là hai từ đồng nghĩa của cùng một bệnh. Thuốc talimus (chất ức chế calcineurin) và dermovate (clobetasole propionate) được dùng để trị bệnh chàm theo những cơ chế khác nhau. Talimus an toàn cho những thương tổn trên mặt, vùng nếp, trong khi dermovate cho hiệu quả nhanh ở các thương tổn vùng da dày như chi.
Tốt nhất bạn nên sử dụng thuốc theo đơn thuốc của BS, với những theo dõi sát sao và nên tái khám đúng hẹn. Bạn cũng cần chú ý loại bỏ những yếu tố có thể làm bệnh của bạn nặng hơn.
Chúc bạn vui.
Hỏi: Tôi rất thường hay bị dị ứng. Mỗi lần ăn cua, tôm hoặc cua đồng đều cảm thấy cổ họng bị đau thắt lại. Đôi khi thì bị dị ứng ở mắt: mắt sưng đỏ lên rất nhiều. Xin hỏi là mỗi khi bị như vậy thì nên uống thuốc gì hoặc xử trí ra sao để giảm bớt hiện tượng dị ứng, đặc biệt là dị ứng ở mắt? Cám ơn.
hungnp (Q.Bình Thanh, TP.HCM)
Bác sĩ Hoàng Văn Minh, bác sĩ chuyên khoa 1 - Trưởng phòng khám da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Dị ứng là một bệnh thường gặp, đa số trường hợp không phải là bệnh cấp cứu nhưng đối với trường hợp của bạn là dạng nặng cần phải điều trị ngay. Nếu không điều trị kịp thời sẽ bị phù thanh quản gây ra hiện tượng khó thở, có thể tử vong.
Tốt nhất, bạn phải nên đi khám chuyên khoa dị ứng miễn dịch để có hướng điều trị cụ thể.
Hỏi: Da tôi bị không đều màu, trên vùng lưng hay bị nổi loang lổ, chỗ trắng chỗ đen. Xin bác sĩ cho biết như vậy có phải bị sắc tố da không? hay do tôi bị dị ứng với thực phẩm hay chất cồn? Xin cảm ơn.
Mai Lan (Q.7, TP.HCM)
Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương - Phòng Chăm sóc da, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM:
Chào bạn, nhiều khả năng bạn bị lang ben hoặc di chứng mất sắc tố sau lang ben. Bệnh này không liên quan đến thức ăn hay nước uống có cồn. Bạn nên điều trị tại bệnh viện/ phòng khám có chuyên khoa da.
Chúc bạn mau lành bệnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét