Viêm da cơ địa là một trong những căn bệnh khó điều trị dứt điểm. Trẻ em với sức đề kháng yếu ớt rất dễ bị mắc căn bệnh này. Các bậc cha mẹ hãy chú ý đến một số dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em để kịp thời điều trị.
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ |
Viêm da cơ địa là gì?
Bệnh viêm da cơ địa có tên khoa học là Atopic Dermatitis-AD, ngoài ra bệnh này còn nhiều tên gọi khác như chàm thể tạng, viêm da atôpi, sẩn ngứa Besnier,… là một dạng viêm da dị ứng mạn tính.
Đối tượng mắc phải chủ yếu là trẻ em, có tới 60% trẻ em bị viêm da cơ địa ở năm đầu đời.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em
Biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm da cơ địa rất đa dạng tùy vào từng giai đoạn cụ thể của bệnh:
+ Giai đoạn cấp tính: Trên da của trẻ xuất hiện những đám ban đỏ không phân biệt rõ ranh giới, các đám mụn nước, tiết nhiều dịch, bị phù nề và đóng vảy tiết. Ở giai đoạn này không có đóng vảy da. Vào giai đoạn này da trẻ thường rất ngứa, trẻ sẽ gãi nhiều, khóc quấy nhất là ban đêm, vòng bệnh lý “Ngứa – gãi” luẩn quẫn sẽ làm cho tình trạng ngứa thêm trầm trọng và gây nên tình trạng bội nhiễm rất nguy hiểm.
+ Giai đoạn mạn tính: Xuất hiện những đám sẩn đỏ có ranh giới rõ ràng với các vùng da xung quanh, da dày sừng và rối loạn sắc tố da, triệu chứng ngứa càng trầm trọng hơn và việc gãi sẽ gây ra tình trạng tróc vảy, bong da, tạo các khe nứt da sâu, chảy nước vàng và đóng vảy tiết.
Trẻ nhỏ thường bị bệnh ở giai đoạn cấp tính, trẻ lớn hơn tình trạng bệnh có thể kéo dài và tổn thương nghiêm trọng hơn.
Các bộ phận thường xuất hiện ban ngứa trên da trẻ thường là trán, má, cằm, da đầu, các nếp gấp da lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón tay chân, nặng hơn có thể lan ra cả thân mình.
Bác sĩ sẽ căn cứ vào 4 tiêu chuẩn chính để chẩn đoán căn bệnh viêm da cơ địa ở trẻ:
- Ngứa
- Các dấu hiệu của viêm da mạn tính và tái phát
- Vị trí xuất hiện các triệu chứng bệnh
- Tiền sử gia đình có bệnh cơ địa dị ứng như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn,… Nguyên nhân chính là bệnh viêm da cơ địa được di truyền rất mạnh, những người bị bệnh này thì con họ có 60% khả năng mắc bệnh, nếu cả cha và mẹ đều có tiền sử viêm da cơ địa thì chắc đến 80% con cái cũng bị bệnh.
Ngoài ra, một số triệu chứng viêm da phụ như khô da, viêm môi, đục thủy tinh thể, da mặt đỏ, dị ứng thức ăn, tổn thương giác mạc, và có nồng độ lgE trong máu tăng cao,… sẽ bổ trợ cho việc chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa được chính xác hơn.
Lời khuyên dành cho bạn: Khi nhận biết được các dấu hiệu bệnh viêm da cơ địa và nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán bệnh chính xác và có hướng điều trị thích hợp.
Xem thêm: Cách điều trị viêm da cơ địa ở trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét